Lượt xem: 909

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị của Đảng

Công tác tuyên truyền là một bộ phận cấu thành trong công tác tư tưởng của Đảng, là hoạt động nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, làm cho chúng trở thành nhân tố chi phối trong đời sống tinh thần của xã hội. Từ đó, động viên, cổ vũ tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956) (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)

 

    Bài 1. Tuyên truyền chính trị - bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng

    Công tác tuyên truyền chính trị là một trong các lĩnh vực tuyên truyền của Đảng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Những thành tố về nội dung, đặc điểm, hình thức, lực lượng và phương tiện tuyên truyền chính trị đã được các nhà khoa học về công tác tư tưởng xây dựng, hoàn thiện làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của Đảng áp dụng vào thực tiễn.

    TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ

    Các nhà khoa học về công tác tư tưởng của Đảng cho rằng, tuyên truyền chính trị có đặc điểm cực kỳ quan trọng trong hoạt động tuyên truyền của Đảng Cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Có thể khẳng định rằng, tất cả nội dung tuyên truyền của Đảng đều trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho công tác tư tưởng của Đảng. Sở dĩ công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng là bởi vì hoạt động này xuất phát từ nhiều yếu tố.

    Đầu tiên, chính là vai trò của tư tưởng, lý luận trong cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp. Các Mác đã khẳng định, tư tưởng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi thâm nhập vào quần chúng. Lênin viết, không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Các giai cấp đại diện cho một phương thức sản xuất đã tồn tại trong lịch sử chỉ có thể xây dựng và bảo vệ được chính quyền của mình một khi có hệ tư tưởng riêng biệt. Giai cấp vô sản chỉ có thể trở thành một giai cấp tự giác, làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình khi được trang bị hệ tư tưởng Mác - Lênin.

    Kế đến, là xuất phát từ yêu cầu xây dựng, phát triển và hoàn thiện đường lối. Sau khi giành chính quyền, giai cấp vô sản có nhiệm vụ lãnh đạo toàn thể nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Công cụ chủ yếu để xây dựng và phát triển đường lối đó chỉ có thể thực hiện từ cơ sở thực tiễn của quần chúng nhân dân. Tuyên truyền chính trị là quá trình nâng cao nhận thức của quần chúng, làm cho quần chúng tự giác, tích cực tham gia quá trình thực hiện và phát triển đường lối của Đảng.

    Vấn đề quan trọng nữa đó chính là, xuất phát từ yêu cầu tập hợp quần chúng trong sự nghiệp cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Sau khi có đường lối đúng, nhiệm vụ của chính đảng là phải cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng. Tuyên truyền chính trị có nhiệm vụ đưa những quan điểm, đường lối của Đảng trở thành nhận thức chung của quần chúng nhân dân, để quần chúng nhân dân tự giác thực hiện những nhiệm vụ đó.

    NỘI DUNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ

    Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, của cách mạng Việt Nam là nội dung quan trọng đầu tiên trong tuyên truyền chính trị của Đảng ta. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về đường lối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc để thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng là nội dung tuyên truyền chính trị mà Đảng ta thường xuyên quan tâm. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền chính trị còn thể hiện cụ thể ở các lĩnh vực như: Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; phát huy nội lực, tự lực, tự cường, chủ động hội nhập quốc tế. Tuyên truyền đường lối của Đảng trong lĩnh vực khoa giáo, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền, nhà nước. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng trong các nghị quyết Trung ương, pháp luật của Nhà nước là sự cụ thể hóa, thể chế hóa các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng.

    Tuyên truyền chính trị có 3 đặc điểm cơ bản. Tính thống nhất là đặc điểm cực kỳ quan trọng trong tuyên truyền chính trị. Chính trị là thể hiện lập trường, quan điểm rõ ràng, dứt khoát trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng, lý luận giữa các giai cấp trong xã hội. Tuyên truyền chính trị là sự phổ biến, truyền bá lý luận, hệ tư tưởng của một giai cấp. Vì vậy, tính thống nhất là điều kiện tiên quyết của tuyên truyền chính trị. Tiếp theo, đó chính là tính lý luận cao. Tuyên truyền chính trị nhằm phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng, trước hết phải làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ những cơ sở lý luận của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Ngoài ra, tính lý luận cao còn thể hiện trong nội dung tuyên truyền chính trị đó là, phải làm rõ tính thực tiễn của lý luận trong những nội dung tuyên truyền. Đặc điểm cuối cùng của vấn đề này đó là tính chiến đấu. Trong suốt quá trình phát triển, hệ tư tưởng vô sản luôn luôn đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cơ hội; kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Từ đó, củng cố và nâng cao ý thức chính trị, niềm tin và tính tích cực chính trị của quần chúng nhân dân. Ngoài ra, tuyên truyền chính trị cũng hướng tới hình thành phong trào, vận động quần chúng nhân dân tham gia, thể hiện ý thức chính trị, củng cố niềm tin và rèn luyện, nâng cao tính tích cực chính trị của mình. Vì thế, tính chiến đấu cũng là đặc điểm rất quan trọng của tuyên truyền chính trị.

    HÌNH THỨC, LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG TIỆN TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ

    Có 2 hình thức tuyên truyền chính trị đó là, trực tiếp và gián tiếp. Tuyên truyền trực tiếp được thực hiện qua các kênh như: Hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp ủy, các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị; sinh hoạt của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Ngoài ra còn có các hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị; các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động, các hoạt động tuyên truyền cổ động, các buổi mít tinh, tuần hành, các hoạt động biểu diễn văn hóa trực tiếp nhằm vào đối tượng cụ thể. Đối với hình thức tuyên truyền gián tiếp, đó là, thông qua hoạt động của hệ thống phát thanh, truyền hình, internet; qua hệ thống xuất bản và phát hành như: Sách, báo,… qua các hình thức cổ động như: Khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi,… Cả hai hình thức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp đều có những điểm ưu việt nhất định, có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, không được coi nhẹ hình thức nào.

    Lực lượng tuyên truyền chính trị, trước hết là cấp ủy, các đồng chí chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của cấp ủy và các cơ quan nhà nước; các cơ quan chuyên trách của Đảng trong hệ thống tuyên giáo. Bên cạnh đó, lực lượng tuyên truyền còn có các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng; các giảng viên, giáo viên chính trị, giáo dục công dân ở các trường; các đoàn thể chính trị: Mặt trận Tổ quốc, liên đoàn lao động, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh.

    Về phương tiện tuyên truyền chính trị, đó là những công cụ hoạt động chủ yếu của các chủ thể tuyên truyền. Các phương tiện tuyên truyền chính trị bao gồm: Lời nói của báo cáo viên, tuyên truyền viên; các phương tiện hoạt động của hệ thống thông tin đại chúng; các thiết chế văn hóa - văn nghệ, thể thao và các công cụ đặc thù phục vụ thông tin tuyên truyền đối ngoại.

    Nhìn chung, việc xác định tầm quan trọng, nội dung, đặc điểm, hình thức, lực lượng và phương tiện tuyên truyền chính trị là vấn đề rất cần thiết đối với những người làm công tác nghiên cứu ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, giúp cho những người làm công tác tuyên truyền vận dụng lý luận về công tác tuyên truyền chính trị vào những vấn đề cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính trị của Đảng ta hiện nay.

LÂM TẤN HÒA - NGUYỄN VĂN TRIỀU

 

(Còn tiếp)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Giáo trình Công tác tư tưởng của Đảng, Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2003.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, 2011, (tập 5).

[3] Nguyên lý công tác tư tưởng (PGS, TS Lương Khắc Hiếu chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2008 (tập 1, 2).

[4] Nguyên lý tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lưu hành nội bộ, năm 2006.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 6511
  • Trong tuần: 77,218
  • Tất cả: 11,800,538